Mi thứ
Không hiểu thế nào, có lẽ tôi biết chơi khá nhiều nhạc cụ, và giờ thì đang tìm hiểu violin. Tất nhiên là có lý do cả, nghệ thuật nó đến với tôi như một người bạn không phải tình cờ ta gặp trên một con đường, trong một lớp học, công ty, hay một quán cà phê, nghệ thuật nó đến với tôi như một người bạn, mà tôi muốn tìm hiểu, và đã kết bạn với nó qua facebook, và rồi, biêt đâu, nó sẽ đồng ý ?
Thời gian cấp 2 điểm số âm nhạc của tôi chưa bao giờ trên trung bình, vì mỗi lần gọi lên bảng kiểm tra, khi thầy giáo ( dạy tôi cả 4 năm âm nhạc) đàn ( thầy ấy rất giỏi piano), tôi đều không hát. Vì tôi ngại, đúng vậy, âm nhạc nó đã gắn liền và mang lại cảm xúc cho tôi từ bé, tôi thấy Dạ cổ hoài lang hay từ hồi học tiểu học, tôi có thể thuộc một số bài hát như Bụi phấn, Ước mơ, hay mầm non, tôi luôn thích bài Inh lả ơi ( dù giờ mới hiểu lời bài hát không trẻ con lắm), hay Cháu thương chú bộ đội (tôi từng thức dậy 5h sáng với 1 khẩu súng lắp ráp bằng cái giống như trò chơi Lego để vừa nghe chào cờ ( hồi đó 5h trên VTV1 hay chào cờ trước Bác Hồ)) để hát bài hát đấy.
Nếu có một ngày gặp lại thầy giáo âm nhạc cấp 2, tôi có thể kể với thầy, là giờ tôi cũng hiểu âm nhạc kha khá rồi, có thời gian, tôi còn lục lại quyển nhạc lý cấp 2 mà thầy dạy. Chuyện ở đây là, nhà tôi lại gần nhà bạn của thầy, chú ấy chơi đàn trong đám cưới, và chú ấy từng tặng tôi một cây sáo La như một kỷ niệm với một đứa thích âm nhạc, một câu chuyện hay.
Giờ tôi muốn viết về một số nhạc cụ mà tôi đã chơi, cuối bài, tôi sẽ hình dung độ khó của nhạc cụ mới tôi định chơi, rồi sẽ xem nó khác và giống thế nào so với những gì mình hình dung, hy vọng đừng khác quá xa.
Sáo
Chị mua sáo cho tôi từ hồi lớp 8, sáo của Mão Mèo, nhìn mặt anh ấy là biết sẽ bán một cây sáo chất lượng rồi.
Tôi mất 1 tuần để làm quen được với thế tay, và chính thức thổi được 7 nốt nhạc, nó là cây sáo Đô, cây sáo đó là 10 lỗ, nên khá khó để cẩm ban đầu, nhưng cũng vì cầm sáo 10 lỗ, những sáo khác sau này tôi cầm đều đúng hơn. Tôi cũng từng thổi một cây sáo Mèo, cái loại có 2 cây sáo chập vào nhau, nghe khá hay, nhưng chỉ hay đúng 1 bài, Xuân về trên bản mèo.
Thực sự, tôi thổi sáo không được giỏi, và cũng không cố để trở nên giỏi, vì tôi luôn bị ám ảnh những người thổi sáo hai bờ môi họ sẽ dày lên, và tất nhiên, tôi không thích vậy. Như một người nghệ nhân làm gốm phải trả cái giá là bàn tay nhẵn mịn, có khi không còn vân tay do xoay bàn gốm nhiều, tôi sợ môi mình sẽ cong cong lên như mấy anh thổi sáo, vâng và đó là sự thật đấy.
Nên tôi chỉ thổi được lên quãng 2, lưỡi đơn lưỡi kép thì chịu, có thể lưỡi đơn vẫn thổi được, quãng 3 thì tùy từng lúc, tôi cũng không biết mình có khả năng vừa lấy hơi bằng mũi vừa thổi bằng miệng không nhưng chắc chắn tôi biết nén hơi xuống bụng và thổi được và không bị hụt hơi khi gần cuối câu, luyến cũng không giỏi, nói chung, nằm nghĩ, giờ chỉ nhớ mình có thể tưởng tượng ra một cây sáo trong đầu mà tay mình lại bấm những nốt nhạc lên trong đầu.
Với kiến thức nhạc lý trong đầu, tôi đoán, để tôi có thể tự cảm âm ra một bài hát mà không cần phải xem sheet nhạc sẽ khá nhanh thôi, và khi có dịp, tôi sẽ mua một cây sáo Dizi (sáo Trung Quốc ấy), tôi thích nghe nó hơn sáo Trúc.
Guitar
Tôi chơi được cả guitar cổ điển, hiện đại, và cả guitar điện, dù thực ra, chúng nó chẳng khác nhau mấy, tôi chưa bao giờ lead nổi một bài trên guitar điện, tại cũng chẳng đam mê lắm.
Guitar hiện đại thì toàn bộ dây bằng sắt, đây là loại guitar đầu tiên tôi chơi, khá là đau tay, không cẩn thận cũng đứt tay nữa, có lần, tập Nail Attack, tay tôi chảy máu be bét, mà không để ý, cứ tưởng chỉ là đau tay, đến khi nhìn mới thấy máu dính hết vào dây đàu, lúc ấy mới thấy đau ..
Là con trai nên không sợ đàn lắm, chỉ thương các bạn nữ, mà tôi đoán đàn giờ mua cũng xịn hơn ngày xưa, action thấp, dây có nhiều loại to nhỏ, dễ bấm hơn, nhưng vẫn đau, để không đau tay nữa, cách duy nhất là chơi đàn thường xuyên và thật nhiều, cho các đầu ngón tay trái bằng nhau và chai đi, sẽ không còn cảm giác gì nữa.
Đàn guitar thực sự khó học hơn Sáo rất nhiều, nếu mới bước chân vào, có lẽ ai cũng phải bỡ ngỡ, nhất là với một đứa tự học như tôi. Hồi ấy, youtube chưa nhiều video về đàn như bây giờ, chỉ có Hiếu Orion, Hiển Râu cũng chưa ra nhiều bài hướng dẫn như vậy, còn Haketu thì mới chỉ đăng clip đánh chứ mấy clip hướng dẫn thì hơi nâng cao.
Tôi từng biết, có những người đam mê học đàn còn học cả tiếng Trung để xem hướng dẫn Sunflower của Paddy Sun ( giờ tôi có thể chơi được bài đấy nhé).
Mất khoảng 1 tuần tôi mới có thể chơi được bài đàn đầu tiên, đợi chút, tôi sẽ link đến bài hát đấy cho bạn xem, đây. Tiếc là không có clip thổi sáo đầu tiên, bài Nữ nhi tình ( chậc, vì ai cũng bảo nên học bài đấy đầu tiên).
Cái cảm giác chơi được một bài hát trên một cây đàn mà mình yêu thích sau một thời gian dài luyện tập, nó khác xa so với việc bạn giải một bài toán để mai kiểm tra, chả khác gì bạn vừa xây dựng một túp lều bé con trên một hòn đảo bạn ghét cay ghét đắng, âm nhạc và lập trình, nó làm cho tôi có những cảm giác thật sự tuyệt vời, như ta vừa chinh phục được một cái gì đó, vì tôi chưa bao giờ chinh phục một ngọn núi mà.
1 tháng sau tôi đã bấm lưu loát hợp âm, vòng Canon với bài Hòn đá cô đơn, cả nhà tôi đểu từng bảo tôi sẽ không học được đàn, thê mà, lúc tôi chơi được, nhiều lúc cả nhà thầy phiền vì tôi, lúc nào cũng chơi, sáng dậy trước khi đi học, 6h25 vẫn cố chơi đến 6h30 đi học, trưa về chơi, tối chơi trước khi đi học, học chán quán lại chơi.. . .
Và guitar, nó là thứ đầu tiên tôi dùng để sáng tác.
Tôi từng nghĩ, sẽ không bao giờ mình có thể làm một bản nhạc, hay một bài thơ, tôi tưởng, phải có một độ phiêu hoặc có những con người sinh ra để làm việc đó, không phải tôi, nhưng không, một bài hát thì có thể ngẫu nhiên, nhưng âm nhạc thì lại có quy tắc, như nốt cuối cùng của bài hát sẽ luôn là nốt chủ của bài hát đó. Chỉ cần đủ thời gian, bạn sẽ muốn tự phát minh ra một giai điệu cho mình, khi mọi thứ trở nên quá nhàm chán.
Nhạc tôi không hay đâu, nó còn buồn nữa, tôi đoán tôi sẽ cải thiện nó khi chơi Piano, nhưng giờ khi chơi Piano, có lẽ chưa đủ lâu, tôi có thể sáng tác những bài hát mang màu sắc khác hơn, vậy mà tôi chưa muốn, tôi còn định không chơi nữa, vì nó hơi cồng kềnh, dù sao, tôi cũng biết sáng tác nhạc, nhỉ..
Nhân tiện, tôi sẽ đọc bạn một bài thơ, bài mà tôi đang nhớ trong đầu, tôi hy vọng, nó sẽ không phải bài hay nhất mà tôi làm:
Nếu một ngày nào đó
Khi nhìn vào tấm gương
Liệu có thấy quen không
Với con người trong ấy
Bao năm tháng qua đi
Quên mang theo ngọn đuốc
Rồi một ngày thức giấc
Tuổi trẻ đã qua đi
Trông như là người dưng
Suy tư thêm một phút
....
Ơ, quên mất rồi ??
Xin lỗi, tôi không để quyển đấy ở gần tay, ngoài bìa, nó ghi dòng chữ Big Idea, thế mà tôi lại để dành nó cho nghệ thuật.
Tôi sáng tác cũng nhiều bài hát, khoảng 5 bài, bài đầu tiên, là bài cho em tôi, nó còn bé hơn tôi rất nhiều, mà đã phải chịu nhiều đau khổ, chả biết nó có hiểu không, nhưng tôi luôn nghĩ đến nó:
Lời bài hát hình như là:
Buồn thế em bé ơi
Buồn quá em bé ơi
Mắt em trong veo
Giờ đã đượm buồn
...
Tôi không nhớ bài hát tiếp theo, tôi có sáng tác một bài cho tôi, tuổi 17, hay 18 gì đó, 2 bài cho bạn, một đứa ngồi trên tôi, một đứa thì tôi mới nói chuyện với nó hồi lớp 12 sau khi kết thúc cấp 2.
Còn một bài, tôi sáng tác khi đang đi làm khi vừa thi xong cấp 3, những ngày hè.
Cũng có lần, tôi phổ nhạc cho một bài thơ, đó là bài Quẩn quanh của Huy Cận, tôi nhớ tất cả giai điệu trong đầu.
Đối với guitar, tôi có thể chơi mọi thứ mình thích.
Piano
Tôi không nói tôi biết chơi một nhạc cụ nào cả, chỉ là chơi được, nó chỉ làm thỏa mãn tôi.
Piano là môn nhạc cụ tôi gửi lời mời lâu nhất nhưng cũng chỉ mới được nó chấp nhận vài tháng trước. Lúc lần đầu tiên mua đàn về, tôi đã ngồi lì cả buổi để đàn nó, ra cả mồ hôi dù trời cũng không nắng, có lẽ lúc nữa tôi là ngón tay sẽ bị chuột rút, nhưng thực sự, tôi rất thích nó, bạn tôi từng nói, piano là nhạc cụ của bác học, có vẻ không sai.
Piano có vẻ khó hơn 2 cái trên, cũng không phải, lúc ở nhà thầy, tôi chỉ cần 30 phút là chơi được bài Tháng 4 của Hà Anh Tuấn, đó là lần đầu tiên tôi cầm đàn, tất nhiên, là tôi đã nghiên cứu nó từ rất rất lâu rồi, nhưng chưa có dịp thực hành thật sự, âm thanh của piano khiến ai cũng phải mê hoặc.
Như bài viết cũ, tôi thích bài River flow in you, có một dòng sông chảy trong bạn, trong anh, trong em và trong tất cả mọi người, tự nghĩ, chưa bao giờ, âm nhạc nó lại làm cho cảm xúc của ta ly kỳ đến vậy.
Và cũng là lý do tôi vô cùng muốn học Piano, tự mình chơi bài đó, và tôi đã làm được.
Mi thứ
Đây là nhạc cụ tiếp theo mà tôi muốn học, có lẽ nó sẽ khó hơn tất cả các cái trên cộng lại, đối với tôi, một thứ gì đó mang lại nhiều cảm xúc là thứ mà nó có nhiều chi tiết nhất. Ví dụ, tôi đánh giá chơi Piano dù rất hay, nhưng chơi trên đàn điện tử rất khó hay so với chơi bằng đàn cơ, vì đơn giản, để một nốt nhạc phát ra trên đàn piano điện tử chỉ cần một dòng điện, còn với đàn piano cơ, sẽ là một quá trình khi bạn nhấn vào phím đàn, đùn bẩy sẽ tác dụng lên búa, búa sẽ đập vào dây đàn, rồi âm thanh được phát ra, như vậy, chắc chắn độ chi tiết và ngẫu nhiên của một cây piano cơ sẽ nhiều hơn piano điện, một cây piano điện nếu bạn chơi đúng nhịp, lực nhấn lúc mạnh lúc nhẹ, như là một cây piano xịn với 128 lực bấm khác nhau, còn piano điều đó là vô tận, như thế, rõ ràng chơi trên piano sẽ để lại nhiều cảm xúc hơn, vì nó có nhiều chi tiết hơn.
Vì sao tôi đoán violin lại là một nhạc cụ vô cùng khó và cũng vô cùng hay ?
Vì đàn violin chịu ảnh hưởng bởi cảm nhận tay của bạn rất nhiều, tôi đoán vậy, đúng không phải cầm thử tôi mới biết, khi chơi đàn guitar bạn hơi di di tay thôi là tiếng sẽ bị rè, điều đó nếu xảy ra trên Violin sẽ vô cùng tệ hại, tiếng đàn trên guitar bạn chỉ có thể dùng tay phải điều chỉnh to nhỏ, nhưng violin với cần đàn bạn hoàn toàn có thể khiến nó chi tiết hơn, như là cảm xúc buồn, tay bạn sẽ kéo chậm chậm rung tung, vui tươi sẽ kéo dứt khoát.
Dù sao, tôi đoán nó sẽ là một nhạc cụ ghi lại được nhiều cảm xúc nhất.
Xin cảm ơn đã đọc đến đây, chúc bạn một buổi tối tốt lành.
Nhận xét
Đăng nhận xét